Bùi Thị Bạch Hải

Cách Quản Lý Tài Chính Cá Nhân Của Người Nhật

Người Nhật đơn giản, hiệu quả. Kakeibo là một phương pháp tiết kiệm có nguồn gốc từ Nhật Bản đã trở nên phổ biến và được mọi người ưa chuộng vì tính đơn giản, hiệu quả, tiết kiệm thời gian để việc thực hành quản lý tài chính cá nhân không có nhiều áp lực và điều quan trọng là dễ duy trì thói quen trong thời gian dài để tạo thành kỷ luật.

Kakeibo trong tiếng Nhật có nghĩa là sổ chi tiêu tài chính cho gia đình. Phương pháp này khuyến khích bạn ghi chép bằng tay vào trong cuốn sổ của riêng bạn.

Trong quản lý tài chính cá nhân, thói quen quan trọng hơn số tiền. Quản lý tài chính là một công việc đòi hỏi sự cẩn thận và tính toán tỉ mỉ để phân chia các khoản chi tiêu sao cho hợp lý. Mục tiêu là đảm bảo đủ để tiêu dùng hàng ngày, đồng thời dành phần dư dả để đầu tư và tiết kiệm cho tương lai.

Khi tự mình viết xuống các khoản thu chi của mình, bạn có thời gian suy nghĩ, nhìn nhận lại những  hành vi sử dụng tiền của mình. Sau đó bạn có thể tự mình sẽ phần nào đó hiểu rằng mình phải điều chỉnh cách chi tiêu để liệu cơm gắp mắm.

Với những ai đang đối diện với các khó khăn trong việc kiểm soát tiền và tài chính cá nhân của mình, rất nhiều người chưa hết tháng đã hết lương thì việc áp dụng phương pháp Kakeibo này có thể mang lại những hiệu quả tích cực, cải thiện tình hình tài chính trong thời gian sớm.

Vậy sử dụng phương pháp Kakeibo bạn sẽ bắt đầu như thế nào? Hãy tuân thủ và làm những bước này trong vui vẻ nhé!

Bước 1: Ghi chi tiết các khoản thu nhập, các nguồn tiền có được:

–         Thu nhập từ tiền lương chính

–         Thu nhập từ các công việc làm thêm

–         Tiền thu lại từ các nguồn người khác trả nợ

–         Tiền lãi gửi tiết kiệm, tiền lãi từ các khoản đầu tư…

Cuối tháng nhớ tổng kết để ra một con số tổng cộng.

Bước 2: Ghi chi tiết các khoản chi cố định hàng tháng, các khoản này gần như tháng nào cũng có thể chi gần giống nhau:

–         Tiền thuê nhà

–         Tiền các hóa đơn điện, nước, điện thoại, gas…

Bước 3: Trích ra một phần thu nhập để tiết kiệm. Tùy vào khả năng tài chính và các nguồn thu của bạn, khuyến khích để ra  ít nhất 10% thu nhập hàng tháng.

Bước 4: Ghi chép chi tiết các khoản tiêu dùng hàng ngày. Khoản này là sau khi bạn đã để dành một khoản trong bước 3. Chia ra những phần sau:

–         Nhu cầu tiêu dùng thiết yếu: Thực phẩm, xăng xe, khám chữa bệnh, học phí cho con, các vật dụng dung cho sinh hoạt gia đình và cá nhân

–         Nhu cầu không thực sự cần thiết: Café, ăn uống nhà hàng, mua sắm những món đồ thời trang…

–         Chi phí dành cho giải trí: Xem phim, mua sách báo, du lịch, xem ca nhạc…

–         Các khoản có thể phát sinh khác: Sinh nhật, hiếu hỉ, quà cáp, từ thiện…

Mỗi ngày cần dành ra một vài phút cuối ngày để ghi chép, lưu giữ lại hóa đơn khi mua hàng để tối về còn làm công việc ghi chép cho nhanh. Khi làm được những việc này, tôi chắc chắn bạn sẽ điều chỉnh được cách xài tiền và biết cách tiết kiệm hơn, biết cách dùng tiền để CHI mà không PHÍ.

Bước 5: Tổng kết sổ sách chi tiêu vào ngày cuối tháng, đáng giá theo đúng như bạn dự trù hay không, có chi những mục nào quá hoang phí và không cần thiết không?

Đó là toàn bộ 5 bước của phương pháp Kakeibo. Thực ra phương pháp quản lý tài chính cá nhân của người Nhật không khó. Lưu ý là bạn nên giữ lại các  hóa đơn để đối chiếu và ghi chép con số cho chính xác. Hãy kiên trì, cẩn thận ghi chép các khoản thu chi hàng ngày để tránh trường hợp lâu ngày quên và lười.

Kể cả thu nhập hiện tại của bạn chưa cao thì không sao cả, bạn vẫn cần có thói quen quản lý tài chính từ ngay bây giờ để có những kết quả sử dụng tiền bạc thật hợp lý và cần thiết. Làm được điều này bạn đã rất khác biệt so với phần đông thế giới ngoài kia rồi đấy!

Hãy nhớ, thói quen quan trọng hơn số tiền nhé!

Facebook
Twitter
LinkedIn

Bạn muốn trao đổi trực tiếp?